26 tháng 4, 2010
.........
22 tháng 4, 2010
Ván cờ
Anh ngụ cư ở xóm này đã bốn năm. Cũng chừng ấy năm anh hầu cờ cùng ông già. Anh không mê cờ, nhưng mê cô cháu gái ông, ngay lần gặp đầu tiên, anh nhìn thấy cô đang buộc tóc. Tay cô thon dài, muốt túm mớ tóc nhỏng tên, để lộ cái gáy cũng thon, nà nuột chập chờn dưới những sợi tóc con. Thích đến nao lòng, nhưng chỉ là thương yêu thầm lén, anh lấy cớ qua chơi cờ với ông già, để tranh thủ ngó mong.
Ông già biết tỏng bụng dạ của thằng bạn cờ. Ông thấy đối thủ có những nước đi lãng nhách, hớ hênh mỗi khi vẳng từ sau bếp tiếng cười giòn của cô cháu gái. Có lần bị vây đánh quá, ông ấm ức, nên kêu cháu ngoại đem ra bình trà nóng, nhìn con cờ xớ rớ, run rẩy trong tay thằng nhỏ, ông cười thầm, ai biểu dại gái, cho mầy chết nè con. Nhưng ông cũng nổi tiếng là khó tánh, thủ cựu nên ngay lập tức, ông đằng hắng e hèm khi thấy ánh mắt thằng nhỏ cứ soi vào cái gáy trắng trẻo kia. Gặp người khác, ông đã đuổi thẳng. Anh may mắn, vì những ngày sống lang thang, làm bạn với ông Từ cao cờ giữ miếu Bà Chúa Xứ, cũng học được ít nhiều. Và cái lối chơi biến hóa, lúc thâm trầm, lúc táo bạo, khi phóng khoáng khi lại nghiêm cẩn, chặt chẽ của anh làm ông già ngây ngất. Một đối thủ giỏi.
Nên ông già vừa giữ vừa buông, nhử như bắt vịt con câu nhấp cá mẹ rồng rồng, cắn răng (nói cho văn vẻ vậy chứ ông già còn cái răng nào đâu mà cắn) cho anh nghiêng ngó. Nửa năm, anh đã kịp quen mùi tóc, kịp nhớ bước chân, kịp thương đuôi mày. Một dịp tình cờ anh nghe phớt qua ông già nói với cô cháu ngoại "cái thằng đó tánh cũng được nhưng gốc gác không có, lại nghèo quá…". Lẫn trong câu nói là tiếng gậy gõ lọc cọc trên nền bê tông, ông già thường làm vậy mỗi khi tỏ thái độ cương quyết. Anh biết ông già nói tới mình, anh về căn nhà trọ nằm gác tay lên trán, bàn tay phụ hồ chai sạn này sao xứng để cầm bàn tay non nhuốt kia ? Nhưng vẫn dè dặt, hy vọng. Cho đến một ngày hay tin cô gái sắp lấy chồng. Trời sập cái rầm, vụn vỡ, nát bét hết những giấc mơ.
Buồn đến dại đi, đến xiêu cả đôi chân, trắng dờ con mắt, nghe câu hát "tình yêu như vết cháy trên da thịt người" mà buột miệng, sao nói trúng dữ vậy trời. Nhưng buổi chiều từ công trường về, anh lại qua nhà ông già, bày ra cuộc cờ mới. Những con cờ trong tay anh táo bạo hơn, liều lĩnh hơn, ngạo mạn hơn, nhưng cũng có lúc dại đi, ngập ngừng. Ông già có chút ngẩn ngơ, những nước cờ cho thấy lòng thằng nhỏ này đang đau, đáng lẽ nó phải giận mình, không thèm dòm mặt mình cỡ nửa năm chớ.
Những ván cờ chiều vẫn tiếp tục bày ra, bất chấp nắng mưa, bất chấp những nỗi lo cơm áo, bất chấp lòng đau, bất chấp cô gái đã theo chồng từ tháng Giêng gió bấc. Ông già lủi thủi đi vào đi ra trong căn nhà vắng, buồn hiu, trông cho mau hết ngày, cho mau đến chiều, ông bắc ấm nước, châm bình trà, ngồi ngó ra đường, xao xuyến ngóng bóng người quen bước qua cổng. Đấu thủ giỏi ông già không thiếu, nhưng chẳng ai có lối chơi giống anh, ngẫu hứng và hoang dã như ngọn gió. Có bữa, anh từ công trường về muộn, ông già thắt thẻo ra đón tận đầu đường, nhác thấy anh, ông thiệt thà kêu lên, tao ghiền mầy quá trời, nhỏ.
Anh chỉ cần có vậy, chỉ chờ có vậy. Anh đã thắng một ván cờ lớn. Anh đã làm cho ông già không thể sống thiếu anh. Có được chiến thắng này, anh không bỏ sót một chiều nào, để ngồi chơi cờ với ông. Anh đưa ông già vào một thói quen bất di bất dịch. Nhiều khi từ công trường về, mệt rã rời, có bữa nhậu nhẹt say mềm, anh vẫn ráng ngồi chơi vài ván. Nhưng khó nhất, là anh phải che giấu mối hận trong lòng mình, bởi những người chơi cờ giỏi luôn đọc được ý nghĩ của đối thủ. Anh không biết mình lấp liếm bằng cách nào mà ông già không hay biết, thằng nhỏ này đang căm hận, bởi câu nói nghe lóm được một hôm nào, thằng nhỏ này nghĩ, cô gái đó hẳn cũng thương mình, có tình ý với mình, nếu không thì cô đâu có rón rén thò đầu ra khỏi cửa buồng cười với anh, nếu không thì cô đâu có kiếm cớ quét sân mỗi chiều để tiện cho anh nhìn, nếu không thì cô đâu có đỏ mặt khi vô tình anh chạm vào tay… Chỉ tại ông già cản ngăn, ép uổng.
Và anh cũng không biết tại sao mình lại kiên trì cho một kế hoạch trả thù đến vậy. Có lẽ, cuộc tình tan vỡ đã để lại trong lòng anh một khoảng hẫng, khoảng rỗng không, và mối hận với ông già là điều duy nhất anh có thể níu lấy, tựa vào mà sống tiếp. Những lúc nghĩ tới cái ngày anh từ tốn buông từng con cờ lăn long lóc trên đất, và rất chậm rãi, ngạo mạn, anh lạnh lùng mỉa mai, "tôi không thể chơi cờ cùng ông được, bởi vì tôi nghèo, tôi không gốc gác, tôi thân sơ thất sở, tôi thấy không xứng…", anh tưởng tượng mặt ông đã tái dại đi. Và mỗi chiều phai, ngồi nhìn về phía dãy nhà người ta cất cho thuê, ông già mỏi mòn, hoang vắng, tuyệt vọng. Còn anh, không cần ăn gì cũng thấy sướng, thấy no nê.
Anh định kết thúc ván cờ vào một ngày gần, nhưng ông già đã bỏ cuộc. Ông ra đi vì một cơn đột quỵ. Anh ngơ ngác. Những buổi chiều từ công trường về, anh để nguyên bộ đồ lấm lem bùn đất, xi măng, đứng dán rất lâu vào cánh cổng đã đóng chặt. Anh nhớ ông già khủng khiếp, nhớ từng sợi tóc, từng nếp nhăn, từng mảnh da khô bong lên lùi xùi trên mặt. Nhớ ông già luôn kẹp con cờ vào giữa ngón trỏ và ngón giữa, dịu dàng, hờ hững, nhớ ông dù cao hứng cỡ nào thì con cờ cũng được đặt rất khẽ khàng, nhớ ánh mắt ngậm ngùi nhìn theo con tốt bị ngựa của anh loại ra khỏi cuộc chơi, nhớ cái vẻ sướng rơn mà cố che giấu, kìm nén, nên chỉ hơi ve vẩy hàm râu mỗi khi ông lật ngược được thế cờ. Anh nhớ mùi dầu cù là Con Hổ trộn lẫn mùi băng phiến nơi cổ áo quăn queo.
Anh không còn nhớ câu nói nào xa xưa nữa. Một mình bày ra một ván cờ hoang vắng, trong anh tràn ngập nỗi buồn.
NGUYỄN NGỌC TƯ
Trưa hông có ngủ được. Giở cuốn tạp văn của Nguyễn Ngọc Tư ra đọc rồi rước buồn vu vơ.
CHÍNH DANH/CHÁNH DANH
Chánh: Ngay thẳng, đúng đắn, không tà vạy. Danh: tên.
Chánh danh hay Chính danh là cái tên gọi phải đúng theo cái nghĩa của nó.
Chính danh là một phần quan trọng trong học thuyết của Nho giáo do Ðức Khổng Tử đề ra. Ðó là một nguyên tắc về chánh trị có mục đích ổn định trật tự xã hội, làm cho đời loạn trở nên đời bình trị.
Chính danh, ví như gọi là vua thì phải làm đúng bổn phận của một ông vua, gọi là quan thì phải làm đúng bổn phận của một ông quan, nghĩa là làm đúng theo ý nghĩa của tên gọi; trái lại, như làm quan Hàn Lâm mà không biết chữ, làm Thừa phái mà không biết việc, như vậy là bất chính danh.
"Danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành." Nghĩa là: Danh không chánh thì lời nói không xuôi, lời nói không xuôi thì việc không kết quả. Cho nên, người quân tử danh có chánh thì khá nói được, nói được thì ắt làm được. Bởi vậy người quântử không bao giờ dám cẩu thả lời nói.
Tôn chỉ Chánh danh của Ðức Khổng Tử được Ngài phô diễn rõ rệt trong sách Xuân Thu của Ngài.
Ngài làm sách Xuân Thu là để bày tỏ cái ý nghĩa của sự Chánh danh định phận, khiến cho sự ngôn luận có tiêu chuẩn rõ ràng, chỉ rõ kẻ gian người ngay, kẻ nịnh người trung. Danh đã chánh thì việc gì đều có nghĩa của việc ấy, những tà thuyết không làm mờ tối chơn lý. Danh phận đã được định rõ thì người nào có địa vị và bổn phận chánh đáng của người ấy: Trên ra trên, dưới rằng dưới, trật tự phân minh, vua ra vua, tôi ra tôi, vua lấy lễ sai khiến bề tôi, bề tôi lấy lòng trung mà thờ vua.
Trong sách Luận Ngữ có chép như sau:
Một hôm Tử Lộ hỏi Ðức Khổng Tử:
- Nếu vua nước Vệ nhờ thầy sửa việc chánh trị thì thầy làm việc gì trước?
Ðức Khổng Tử đáp:
- Tất phải sửa danh cho chánh trước hết.
- Sửa danh cho chánh để làm gì?
- Anh quê mùa lắm! Người quân tử chưa biết điều gì thì đừng vội nói. Danh không chánh thì nói không xuôi, nói không xuôi thì việc không thành, việc không thành thì lễ nhạc không hưng, lễ nhạc không hưng thì hình phạt không đúng, hình phạt không đúng thì dân không biết xử trí ra sao cho khỏi bị hình phạt. Cho nên, người quân tử, danh mà chánh thì tất nói được, nói được tất làm được.
Về sau, Tuân Tử cũng cho sự Chính danh là cần thiết. Tuân Tử có viết một chương về Chính danh phát huy được nhiều điều mới, nhưng ông thiên về mặt hình pháp, còn Ðức Khổng Tử thì thiên về mặt đạo đức.
Một nước thạnh trị thì trong nước, vua phải ra vua, quan phải ra quan, cha phải ra cha, con phải ra con, thầy phải ra thầy. Làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ trong gia đình phải tròn trách nhiệm của mình thì con cái mới cảm phục và vâng lời, gia đình mới có trật tự và nề nếp, mới thuận hòa và hạnh phúc.
Gia đình là căn bản của xã hội. Nếu giữ được gia đình yên ổn thì xã hội mới trật tự phân minh. Như vậy, Chính danh là căn bản trong việc chánh trị của người xưa.
Sưu tầm từ caodaism.org
Tuy Nho giáo có nhiều quan điểm khá hà khắc đối với phụ nữ nhưng mình vẫn rất kết quan niệm về "Chính danh" của Khổng Tử. Rõ ràng, người ta nên giáo dục con người những điều như vậy, hết sức căn bản và rõ ràng để người ta có thể biết được cái gì đúng, cái gì sai, nên làm và phải làm cái gì trên đời. Rất là vô nghĩa khi cứ rao giảng ra ra về những thứ đạo đức cao siêu và giả dối, đem người đã mất ra, thần tượng hóa lên những điều không thật về cuộc đời họ mà rốt cuộc chẳng xoay chuyển được tư tưởng của ai.17 tháng 4, 2010
Nhà có hoa.
12 tháng 4, 2010
Geek in the pink
Mình thích bài hát vì cái đoạn sau:
Hey baby look at me go
From zero to hero
You better take it from a geek like me
Well I can save you from unoriginal dum-dums
Who wouldn't care if you com....plete them or not
Bé ơi nhìn anh đây nè
Từ thằng khùng trở thành anh hùng
Nhìn anh đi rồi em sẽ thấy điều đó
Vì anh có thể cứu em khỏi mấy thằng ngốc tầm thường
Mấy cái thằng chẳng thèm quan tâm rằng em đã làm đời hắn có ý nghĩa nhường nào
Nghe hơi hung hăng nhưng mà rất chân thành, đúng không. Ai cũng nói tình cảm chân thành là rất quan trọng trong mối quan hệ giữa người với người. Cái gì thật cũng có thể làm lung lay những gì khô cằn cứng nhắc nhất. Ít ra, tại thời điểm này, đối với mình, sự chân thành đã giúp mình ít trôi nổi đi rất nhiều.
9 tháng 4, 2010
Em trẻ trung lắm
Anh thân mến của em,
Tối hôm nay, em chỉ muốn chạy lại ôm lấy cổ anh rồi hét lên thật to rằng: “We are soooo yooong”. Anh có biết thế là có nghĩa thế nào không, thế có nghĩa là chúng ta thật trẻ trung quá. Em thấy mình sung sướng đến phát khóc lên được khi nhận ra điều đó.
Anh có soi gương giống như em không. Khuôn mặt chúng ta căng mịn không hề có một nếp nhăn. Nhìn vào khóe miệng này, nhìn vào đuôi mắt này, nhìn vào vầng trán này, anh có thấy nhựa sống ở đó không? Khi em đặt nhẹ bàn tay lên má anh, em những tưởng mình nghe thấy máu đang chảy rộn rã. Và hãy nhìn vào cơ thể em nữa, da thịt căng tròn và những đường cong hòan hảo. Tuổi trẻ của em, tuổi trẻ của em đó anh.
Anh có học và làm việc điên cuồng như em không. Em ngồi trước màn hình 18 tiếng một ngày khi công việc bỗng chồng chất. 24 giờ của em kín mít những cuộc hẹn, những cuộc gặp mặt, những hoạt động yêu thích ở các câu lạc bộ đội nhóm. Vậy mà em chẳng hề mệt mỏi. Bởi em nghĩ tới tương lai tươi sáng trước mắt, em nghĩ tới khuôn mặt rạng rỡ của ba mẹ, em nghĩ tới cả những phù phiếm ngọt ngào như vinh quang, như giàu sang vật chất. Anh có thấy sức lực và tinh thần tuổi trẻ thần kỳ lắm không.
Anh có kiêu hãnh, ngạo mạn như em không. 20 tuổi em thấy mình có thể đội trời đạp đất và xem mọi khó khăn chỉ nhỏ bằng con muỗi. Em cười vui khi người ta gọi em là ngựa non háu đá. “Non” và “háu” chẳng phải là vấn đề anh nhỉ, em đang muốn nói tới chữ ‘đá’ kia. Em trẻ và em chẳng ngại “đá” đâu. Em đi tìm cơ hội, em chứng tỏ bản thân, em muốn tất cả thấy em thành công, thấy em lớn mạnh.
Anh có phạm lỗi, có vấp ngã như em không. Chúng ta được tư do làm nhiều điều mình thích, làm nhiều điều bốc đồng, làm nhiều điều khùng điên và cả những điều tưởng như quá đáng nữa. Nhưng tuổi trẻ cho phép chúng ta nhiều cơ hội được thứ tha, cho chúng ta thêm thời gian để sửa chữa lỗi lầm và cho chúng ta con đường quay lại nếu có lỡ bước. Anh thấy đó, tuổi trẻ bao dung với chúng ta lắm.
Anh có tận hưởng niềm vui cuộc sống như em không. Khi vượt qua thử thách, em thấy lâng lâng thỏa mãn. Khi đi qua con đường ưa thích, em thả hồn lên những tán cây xanh rì và mường tượng có một giống người nhỏ xíu đang sống trên kia. Khi ăn một món ngon, em cảm động và ngấu nghiến cho đến miếng cuối cùng. Và anh có thấy những khỏanh khắc khi chúng ta uống một chai bia cùng người tâm đầu ý hợp; khi chúng ta nhảy múa quay cuồng ở những dance club; khi chúng ta gào thét khản giọng trước biển cả mênh mông là quý giá và đáng nhớ lắm không? Tuổi trẻ mang lại cho chúng ta những món quà vô giá quá.
Và liệu rồi anh có yêu giống em không. Em sững sờ nhận ra mình phải lòng ai đó, cả ngày trời chỉ ngồi nhớ mong một người rồi ngồi cười một mình, ngây ngô và ngốc nghếch. Em gần như có thể hủy bỏ mọi cuộc hẹn để đơn giản ngồi ngắm một người, anh có hiểu thế không. Mặc dù là những người ngạo nghễ nhưng một khi đã yêu, chúng ta sẽ rất mãnh liệt và hoang dại. Em có thể vứt bỏ nhiều rào cản, anh có thể vứt bỏ nhiều bất đồng, tình cảm của chúng ta tự nhiên như trời đất cỏ cây mà không manh nha toan tính. Rồi ngày mai em có thể chết, rồi ngày mai anh có thể chết, cớ gì chúng ta phải chờ đợi, cớ gì chúng ta phải dối trá bản thân, đúng không anh?
Và… anh hẵng sẽ đau khổ giống em nữa. Em rã rời khi nhận ra đó chẳng phải một nửa của mình. Em hẫng hụt khi nhận ra mình vẫn phải đi tiếp con đường dài để tìm một nửa của riêng em. Em chùn chân mỏi gối khi những tưởng con đường kia quá dài và quá khó. Nhưng tuổi trẻ thật kỳ lạ anh ạ. Khi đã bình tĩnh hơn, khi đã lòng đã lắng lại, em nhận ra những khỏanh khắc đau khổ đó vẫn có những phong vị riêng của nó. Và em thật may mắn khi được trải nghiệm những tầng nấc cảm xúc như vậy.
Mấy hôm nay trời nóng hâm hấp chẳng mưa được, cứ dồn nén như đang chờ đợi điều gì đó nhưng rất may buổi tối vẫn thật trong trẻo. Em thả ga cho xe chạy chậm và nhấm nháp thời gian trôi qua nhẹ nhàng. Em đã xác định xong con đường cần phải bước tiếp. Em biết em đã chọn hướng đi không dễ rồi nhưng có sao nào, em còn rất trẻ mà, đúng không anh.