22 tháng 4, 2010

CHÍNH DANH/CHÁNH DANH

Chánh: Ngay thẳng, đúng đắn, không tà vạy. Danh: tên.

Chánh danh hay Chính danh là cái tên gọi phải đúng theo cái nghĩa của nó.

Chính danh là một phần quan trọng trong học thuyết của Nho giáo do Ðức Khổng Tử đề ra. Ðó là một nguyên tắc về chánh trị có mục đích ổn định trật tự xã hội, làm cho đời loạn trở nên đời bình trị.

Chính danh, ví như gọi là vua thì phải làm đúng bổn phận của một ông vua, gọi là quan thì phải làm đúng bổn phận của một ông quan, nghĩa là làm đúng theo ý nghĩa của tên gọi; trái lại, như làm quan Hàn Lâm mà không biết chữ, làm Thừa phái mà không biết việc, như vậy là bất chính danh.

"Danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành." Nghĩa là: Danh không chánh thì lời nói không xuôi, lời nói không xuôi thì việc không kết quả. Cho nên, người quân tử danh có chánh thì khá nói được, nói được thì ắt làm được. Bởi vậy người quântử không bao giờ dám cẩu thả lời nói.

Tôn chỉ Chánh danh của Ðức Khổng Tử được Ngài phô diễn rõ rệt trong sách Xuân Thu của Ngài.

Ngài làm sách Xuân Thu là để bày tỏ cái ý nghĩa của sự Chánh danh định phận, khiến cho sự ngôn luận có tiêu chuẩn rõ ràng, chỉ rõ kẻ gian người ngay, kẻ nịnh người trung. Danh đã chánh thì việc gì đều có nghĩa của việc ấy, những tà thuyết không làm mờ tối chơn lý. Danh phận đã được định rõ thì người nào có địa vị và bổn phận chánh đáng của người ấy: Trên ra trên, dưới rằng dưới, trật tự phân minh, vua ra vua, tôi ra tôi, vua lấy lễ sai khiến bề tôi, bề tôi lấy lòng trung mà thờ vua.

Trong sách Luận Ngữ có chép như sau:

Một hôm Tử Lộ hỏi Ðức Khổng Tử:

- Nếu vua nước Vệ nhờ thầy sửa việc chánh trị thì thầy làm việc gì trước?

Ðức Khổng Tử đáp:

- Tất phải sửa danh cho chánh trước hết.

- Sửa danh cho chánh để làm gì?

- Anh quê mùa lắm! Người quân tử chưa biết điều gì thì đừng vội nói. Danh không chánh thì nói không xuôi, nói không xuôi thì việc không thành, việc không thành thì lễ nhạc không hưng, lễ nhạc không hưng thì hình phạt không đúng, hình phạt không đúng thì dân không biết xử trí ra sao cho khỏi bị hình phạt. Cho nên, người quân tử, danh mà chánh thì tất nói được, nói được tất làm được.

Về sau, Tuân Tử cũng cho sự Chính danh là cần thiết. Tuân Tử có viết một chương về Chính danh phát huy được nhiều điều mới, nhưng ông thiên về mặt hình pháp, còn Ðức Khổng Tử thì thiên về mặt đạo đức.

Một nước thạnh trị thì trong nước, vua phải ra vua, quan phải ra quan, cha phải ra cha, con phải ra con, thầy phải ra thầy. Làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ trong gia đình phải tròn trách nhiệm của mình thì con cái mới cảm phục và vâng lời, gia đình mới có trật tự và nề nếp, mới thuận hòa và hạnh phúc.

Gia đình là căn bản của xã hội. Nếu giữ được gia đình yên ổn thì xã hội mới trật tự phân minh. Như vậy, Chính danh là căn bản trong việc chánh trị của người xưa.

Sưu tầm từ caodaism.org

Tuy Nho giáo có nhiều quan điểm khá hà khắc đối với phụ nữ nhưng mình vẫn rất kết quan niệm về "Chính danh" của Khổng Tử. Rõ ràng, người ta nên giáo dục con người những điều như vậy, hết sức căn bản và rõ ràng để người ta có thể biết được cái gì đúng, cái gì sai, nên làm và phải làm cái gì trên đời. Rất là vô nghĩa khi cứ rao giảng ra ra về những thứ đạo đức cao siêu và giả dối, đem người đã mất ra, thần tượng hóa lên những điều không thật về cuộc đời họ mà rốt cuộc chẳng xoay chuyển được tư tưởng của ai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét