25 tháng 10, 2009

CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ EM NGHE-1

:::Nguyễn Dũng Tuấn, bác sĩ:::
Chuyện bây giờ mới kể em nghe...
1

Tôi chợt thấy lại tôi,
Ngày xưa đó, qua hình ảnh của em...


Em hỏi tôi: Sao chọn chi làm thầy giáo? Tôi vặn lại: Tại sao không? Tôi biết trong ánh mắt em là cả một dòng sông hồ nghi cuồn cuộn chảy. Ðau thắt lòng em ơi. Mặt nổi của vấn đề chỉ là vấn đề tiền bạc, lương giáo chức, có nghĩa "dứt cháo", tôi biết em ạ. Nhưng em có biết chăng tuổi trẻ ngày xưa của tôi, tuổi 20 đòi vá trời lấp biển, tuổi của bầu nhiệt huyết sôi sục, muốn làm điều gì đó để cho đời và cho mình. Tuổi của những tháng ngày túi rỗng tuếch nhưng đầu đầy ắp những ước mơ. Em có biết những tảng băng lạnh lùng của giáo dục đã làm cho nó tắt ngấm tự bao giờ? Tôi tự nhủ, phải làm gì đó, mơ hồ, chưa xác định rõ trong đầu, nhưng phải làm, để, thế hệ đi sau không vấp phải những điều tôi đã trải, ngồi miệt mài, cắm cúi giảng đường, viết, viết và nghe, nghe, tựa như những cái máy. Em có biết nổi trăn trở trong tôi, tôi, 20 tuổi, có thể tự tìm kiếm tri thức trong thư viện, sách vở, vậy, tôi đến giảng đường để làm gì? Ðể được học áp dụng, kinh nghiệm, thực tế, nhưng nào được em ơi! Ở đó, chỉ có quan hệ nhạt như nước ốc, thầy đứng trên cao đọc những điều trong sách, còn bọn tôi chép như những tên mê mẩn. Như thế đó, những năm tháng Ðại học của tôi trôi qua. Chỉ còn một điều đọng lại trong đầu, cách nào để sinh viên tìm hứng thú trong học tập ? Em có biết, những giờ học buồn chán, tôi tự hỏi, bao nhiêu đứa ngồi đây, rồi đứa nào sẽ tiếp bước thế vị trí này và liệu, hiện nay có tên điên nào mơ ước điều này? Chắc chắn là không. Tôi đau xót, thế là, tôi hiểu ra tâm trạng của người thầy đứng lớp, bao nhiêu năm trời cũng không tìm được một kẻ nối nghiệp làm vốn! Và chợt bừng trong tôi, nóng bỏng, chói loà, thiết tha tạo ra cho mình một thế hệ đi sau, đầy nhiệt huyết, nhiệt tình đi tiếp bước con đường khoa học đầy chông gai. Cứ như thế, phát triển, 1 tạo 10, 10 tạo 100, em ạ. Tôi hình dung con đường tương lai khoa học bừng sáng!

Em hỏi tôi: chọn chi ngành Y? Nghề bạc bẽo, nhục nhiều hơn vinh. Ừ thì em đã hỏi, tôi phải trả lời, lần ngược lịch sử đời tôi, chọn nghề Y, chỉ vỏn vẹn một ý thức đơn giản: Y = giàu. Một trong những sai lầm lớn nhất về ý thức trong đời tôi. Sau này, tôi hận, không, chỉ giận những người đã tạo ra dư luận sai trái đó. Họ không biết rằng đó chỉ là hệ quả của một quá trình đầy chông gai, mà, nếu so sánh cái giá phải trả thì nó đắt gấp trăm lần những ngành khác. Ðến đây, em ạ, tôi lại trăn trở, tại sao, chúng ta, những người đã từng quan niệm sai lầm, đã từng trả giá, đã từng hiểu, lại tiếp tục lặng im để con em chúng ta tiếp tục phạm? Tại sao chúng ta không có trách nhiệm với thế hệ đi sau? Tại sao chúng ta không có những công trình nghiên cứu khoa học thật sự đúng đắn để đánh giá khả năng học sinh tốt nghiệp phổ thông, để hướng dẫn họ chọn đúng ngành, nghề phù hợp? Chẳng hạn, ngành của chúng ta, những người khoác áo trắng, đòi hỏi gì ở người mặc nó, có bao giờ em tự hỏi chưa em?

Ðã nói, phải nói hết. Có lần, tôi nổi đoá với một người bạn. Hắn chọc tôi, nghề Y giàu quá! Tôi không hiểu nổi, như có một điều gì thúc giục trong tôi, bùng lên rồi nổ tung: Tại sao giàu? Tôi không KINH DOANH SỨC KHOẺ.. Sức khoẻ không là mặt hàng để buôn bán. Tôi chỉ làm nhiệm vụ tái tạo và phục hồi, giữ sức khoẻ mà thôi! Lý luận đấy em ạ, nhưng tôi biết quanh tôi, bạn bè, đàn anh vẫn hàng ngày kinh doanh sức khoẻ! Nói chỉ để thoả mãn chút tự ái trong lòng nhưng vẫn biết đó là chuyện viễn vông, không kinh doanh sức khoẻ có mà nhăn răng! Cũng nhân tiện, về việc trách nhiệm đối với thế hệ sau, một trong những trăn trở hàng ngày của tôi. Cho đến tận giờ, tôi vẫn thiết tha, các bậc cổ thụ, đàn anh giàu kinh nghiệm, đàn em đầy nhiệt huyết, ngồi quanh một bàn tròn, cùng chung lưng tạo dựng cơ đồ Y Khoa, tạo dựng cái gọi là "NHỮNG ÐIỀU CHƯA GIẢI QUYẾT ÐƯỢC TRONG Y KHOA". Em sẽ hỏi, để làm gì? Tôi hỏi lại em: Nếu em muốn giúp ích điều gì đó cho khoa học, thì, em phải biết mình sẽ làm gì và làm được gì ? Ðiều đó, em hãy tìm trong cuốn sách nói trên, và tự lượng sức mình sẽ giải quyết được điều gì. Cứ như thế, bạn bè em, đàn em của em, sẽ chung nhau giải quyết các vấn đề mà những người đi trước đã chấp nhận đầu hàng. Rồi 10 năm sau, 20 năm sau, chúng ta cùng nhìn lại quyển sách, chúng ta sẽ vui mừng xiết bao hoặc đau đớn lòng khi nhìn thấy sự tiến bộ như vũ bão hoặc giậm chân tại chỗ của Y Khoa.

Trở lại vấn đề chọn ngành Y. Ừ thì, đúng là nhục nhiều hơn vinh. Nhưng nếu em đã trải qua những khoảnh khắc không - gì - đổi - nổi, thì, em sẽ hiểu được "nghiệp chướng" ngành Y. Tôi muốn nói đến con người, những nụ cười. Tôi muốn em thấy được hình ảnh đó, những nụ cười hồn nhiên tung tăng vui đùa của trẻ vừa hết bệnh; những nụ cười móm mém, già nua, hiền từ của các cụ khi ra viện; những nụ cười mệt mõi của sản phụ " mẹ tròn, con vuông"; những nụ cười biết lỗi của thân nhân người bệnh; và những nụ cười khoan khoái của chính bản thân khi thấy mình làm được điều gì có ích cho cộng đồng. Tôi cũng muốn em trải qua những giờ phút nặng trĩu, âu lo, băn khoăn, run rẩy, tràn ngập cảm xúc. Tôi cũng muốn em cảm nhận được nổi bất lực của người thầy thuốc đứng trước thần chết bay lượn trên đầu bệnh nhân đắc thắng. Tôi muốn em cùng tôi chia xẻ những đêm thức trắng, những lúc nhai vội bánh mì, những ngày không - dành - thời - giờ - cho - bản thân. Thế đấy em ạ, bao nhiêu đó cảm xúc, em dùng loại tiền nào để đánh đổi, và liệu nó có đủ lửa đam mê để em cắn răng đi tiếp con đường chông gai?

Em lại hỏi: Tại sao yêu em ? Sáu năm đại học, sáu năm chắt lọc, sàng lọc tinh túy tri thức Y khoa, sáu năm biện luận, sáu năm tập phân tích cảm xúc - lý luận cũng không đủ để trả lời em ơi. Ừ, thì em là một tổng thể, hài hòa có, mất cân đối có, lửa cũng có, mà nước cũng nhiều, là đam mê, là tuyệt vọng, là vùng đất dữ, hoang vu, đầy rẫy những bất ngờ, là những buổi sớm tinh mơ lặng im, là đàn chim hiền hòa trên ruộng lúa và cũng là động lực để tôi viết nên những dòng chữ này để tặng em !

TG: Nguyễn Dũng Tuấn
(Trích từ diễn đàn TTVNOL)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét